Gia đình Nguyễn_Thúc_Hào

  • Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Ông Kiều đỗ Cử nhân năm Mậu Dần (1878) dưới triều Tự Đức., được bổ dụng làm Hành tẩu Bộ Công, hàm Biên tu (1880). Năm 1881, ông từ quan về quê mở trường dạy hoc. Giữa năm 1885, được tin Kinh thành Huế thất thủ, ông bèn đóng cửa trường. Buồn phiền, uất hận, ông nhịn ăn và hơn tháng sau ông qua đời vào ngày mùng 3 tháng 7 năm Ất Dậu (1885) hưởng dương 36 tuổi. Ông còn có tên hiệu là Anh Lâm. Cụ Phan Bội Châu đã viết (xem Phan Bội Châu niên biểu – Nhà xuất bản Văn Sử Địa – Hà Nội): "…Năm 13 tuổi, tôi vẫn ở nhà học cha tôi và xin tập văn ở trường Nguyễn tiên sinh ở làng Xuân Liễu. Tiên sinh tên là Kiều rất thâm thuý về Hán học. Tiên sinh rất yêu tôi, nhiều lúc Người đã đi mượn sách quý của các đại gia về cho tôi đọc, nhờ thế tôi được hiểu biết thêm nhiều (trang 26)". Sau khi ông Kiều mất, các triều vua Tự Đức, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại đã truy tặng phẩm tước, cao nhất là "Gia nghị Đại phu hàm thái thường tự khanh". Năm 1925, cụ Phan đã làm bài văn bia tưởng nhớ thầy học của mình, trong đó có đoạn: "…Trong khoảng Hùng sơn Lam thuỷ có khí thịnh bàng bạc chung đúc nên người, thỉnh thoảng lại có bậc anh hùng tuấn tú xuất hiện. Tiên sinh sinh ra là người đĩnh ngộ, tính ham đọc sách, ít nói cười. Được lệnh tiên công truyền dạy lối từ chương cử nghiệp, tiên sinh hạ bút là thành văn…Cuối đời Tự Đức, quân Tây dương thuận dòng sông nước xâm phạm kinh thành, tiên sinh bèn bỏ quan, rời khỏi đế đô, lui về lo việc tu dưỡng cuối đời. Tiên sinh đóng cửa, chỉ lo dạy học trò và để tâm vào sự nghiệp trước tác, ngâm nga ca vịnh, thả lòng theo cảnh núi non, sông nước; nếu có ai đem việc thế tục đến hỏi thì tiên sinh chỉ trậm mặc không đáp… Châu tôi lúc còn trẻ được hầu tiên sinh, học tập được rất nhiều ở phẩm hạnh của tiên sinh."
  • Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh, đỗ phó bảng, Thượng thư Bộ Lại triều đình nhà Nguyễn[3] (tương đương Bộ trưởng Bộ Nội vụ), đã từng nhận được Bắc đẩu bội tinh và Long bội tinh. Năm 1930–1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, thực dân Pháp hoang mang lo sợ. Chúng bắt Triều đình Huế phải đưa quan lại người địa phương về cai trị dân địa phương. Một hôm, viên Công sứ Pháp nói với ông Dinh là sẽ đưa ông về làm Tổng đốc Nghệ An. Ông không đồng ý. Thế là bọn Pháp ra lệnh cho Nam Triều cho ông về hưu sớm trước tuổi quy định. Ông đưa vợ con về Huế ở, mãi đến năm 1933 khi phong trào Xô Viết đã dịu lắng do bị Tây đán áp, ông mới đem gia đình về quê Hồ – Liễu thăm viếng mồ mả và bà con nội ngoại. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nận đói hoành hành. Ông tham gia đi phát chẩn, tham gia các tuần lễ quyên góp ủng hộ cách mạng, hội nhập phong trào Mùa đông binh sĩ, dự đấu giá áo lụa và chân dung Bác Hồ, cho mượn nhà mở lớp bình dân học vụ,… Ông là nhân sỹ trong Mặt trận Liên Việt.
  • Các con: Nguyễn Thúc Hoàng được bầu làm phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhiều khóa; Nguyễn Thúc Hảigiáo sư, tiến sĩ, nguyên chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (nhiệm kỳ 2014–2019); Nguyễn Thúc Hà là tiến sĩ Hóa Lý tu nghiệp tại Đức...